Tin tức » Tin tức
Các doanh nghiệp cơ khí kiến nghị nhà nước cần có chính sách để tăng tỷ lệ nội địa hóa và bảo vệ thị trường ngành cơ khí.
Về cơ bản, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013 đạt gần 252.000 tỷ đồng, tỷ lệ giá trị xuất khẩu cơ khí đạt gần 35%, vượt chỉ tiêu chiến lược là 30%. Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu lại cao gấp 2 lần giá trị xuất khẩu. Nguyên nhân là các dự án đầu tư lớn do những nhà thầu nước ngoài thi công.Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển ngành cơ khí, mặc dù chỉ tiêu chính về sản xuất, kinh doanh của ngành cơ khí năm sau luôn cao hơn năm trước, nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước mới chỉ đạt hơn 32%, thấp hơn so với mục tiêu của Chiến lược từ 45% - 50%.
Ông Lê Văn An, Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ điện xây dựng cho rằng, nhà nước cần có chính sách cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp của ngành cơ khí cần tăng cường liên kết, hợp tác đầu tư, đổi mới công nghệ để sản phẩm có tính cạnh tranh.
“Gần đây cơ chế chính sách thay đổi, các chủ đầu tư các dự án hầu như lại chọn máy bơm ngoại. Mặc dù chúng tôi phấn đấu chế tạo nhiều loại máy bơm từ nhỏ đến lớn, động cơ điện và các tủ bảng điện, thiết bị kèm theo rất tốt nhưng lại không được phát huy. Đây cũng là sự ảnh hưởng của cơ chế. Nên trong giai đoạn này, nếu chúng ta được sự quan tâm của chính phủ, cùng với tố chất thông minh, sáng tạo, cần cù của con người Việt Nam thì muốn ngành nào phát triển thì ngành đấy sẽ phát triển”, ông An cho biết.
Ông Phan Tử Giang, Giám đốc Công ty cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí cho biết, tỷ lệ nội địa hóa chế tạo giàn khoan ở Việt Nam còn quá thấp do công nghiệp phụ trợ yếu. Hiện nay, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, thị trường trong nước hạn hẹp và sức cạnh tranh yếu. Tuy nhiên, ngành cơ khí Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực làm tổng thầu nếu được hỗ trợ về mặt thị trường thông qua các chính sách chỉ định thầu.
“Chính sách về vĩ mô của các Bộ, ngành hiện nay là đầy đủ, tuy nhiên là chưa đồng bộ. Trong mục tiêu lâu dài hướng tới thị trường quốc tế trong thời gian ngắn nhất, chúng tôi cần sự hỗ trợ mang tính chiến lược từ Chính phủ, từ Bộ, ngành đặc biệt là ngành dầu khí Việt Nam xem xét các quyết định chỉ sử dụng các giàn khoan chế tạo trong nước để tham gia vào chương trình giàn khoan tại Việt Nam”, ông Giang nói.
Ngành cơ khí của Việt Nam được đầu tư bài bản, có thể đảm nhận 40% - 50% nhu cầu thị trường. Các chủ đầu tư trong nước chỉ chú trọng mời các nhà thầu nước ngoài vào cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước.
Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí cho rằng, Chính phủ cần coi trọng ngành cơ khí, và từ cái coi trọng đó cần đưa ra cơ chế bảo hộ nhất định.
“Cụ thể trong luật đấu thầu, cần có cơ chế nhất định cho những phần chế tạo trong nước, đặc biệt đối với các dự án nhà nước đầu tư, như vậy sẽ không vi phạm luật đấu thầu hoặc vi phạm các điều khoản WTO. Nhà nước lúc này phải nhìn được chiến lược phát triển đồng bộ của tất cả các ngành, chú trọng ngành cơ khí về lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi nhuận”, ông Sáng nhấn mạnh.
Theo Bộ Công Thương, thời gian tới đây, bộ này sẽ đề xuất với Chính phủ đẩy mạnh việc nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho ngành Cơ khí tiếp tục phát triển, trong đó chú trọng tăng tỷ lệ nội địa hóa để tạo điều kiện phát triển ngành cơ khí trong nước./.
(theo: VOV)